Giáo xứ Thánh Anna – Thánh Giuse Hiển

St. Anne - St. Joseph Hien Church

2627 Queen Ave. North

Minneapolis, MN 55411

Bổn Mạng Giáo Xứ

Giáo Xứ nhận hai Thánh làm Bổn Mạng: 

    • Thánh Anna (Thân Mẫu Đức Mẹ) — Lễ Kính ngày 26 tháng 7.
    • Thánh Giuse Hiển  — Lễ Kính vào ngày 24 tháng 11, kính chung các Thánh Tử Đạo Viêt Nam.

Tiểu sử của hai Thánh Bổn Mạng:

Thánh Anna

(Hiền Mẫu Ðức Trinh Nữ Maria)

Theo truyền thống, Bà Anna sinh tại Belem, kết hôn với Ông Gioakim người Nadaret, cả hai đều là dòng dõi Thánh vương Đavít. Thánh Gioakim được mô tả là người giàu có và đạo đức, thường giúp đỡ người nghèo và tới Đền thờ tại Sepporis.

Truyền thống nói rằng cha mẹ của Đức Maria mới đầu sống ở Galilê, sau đó định cư ở Giêrusalem. Tuy nhiên, Bà Anna là phụ nữ son sẻ, Ông Gioakim bị các thầy thượng tế sa thải và từ chối lễ vật hy sinh của ông, vì việc Bà Anna không có con được hiểu là việc không đẹp lòng Chúa. Ông Gioakim rút vào hoang địa để ăn chay và đền tội 40 ngày. Lúc đó các thiên thần hiện ra hứa với Ông Bà Gioakim và Anna là sẽ có con nối dõi. Sau đó, Ông Gioakim trở lại Giêrusalem và đón Bà Anna tại cổng thành. Có niềm tin cổ cho rằng đứa con sinh bởi người mẹ già là đã được tiền định về điều gì đó kỳ lạ. Trong Cựu ước có trường hợp của Bà Hannah, Thân mẫu của Ngôn sứ Samuel.

Thánh Gioakim tượng trưng cho người gia trưởng mẫu mực đạo đức, thánh thiện và luôn sẵn sàng bảo vệ, nâng đỡ bà thánh Anna, còn bà thánh Anna được tôn sùng như mẫu gương của các bà mẹ, đồng thời Hội Thánh tặng cho bà danh hiệu Mẹ của Đức Trinh Nữ Maria. Sách ngụy thư của thánh Giacôbê có ghi: “ Hai ông bà đã già mà không có con, đây là một thử thách lớn lao của hai ông bà, nhưng cuối cùng thiên thần Chúa đã hiện ra loan báo cho hai ông bà một tin vui mừng: bà sẽ thụ thai và sinh ra Đức Trinh Nữ Maria và hai ông bà đã dâng Đức Mẹ trong đền thờ cho Thiên Chúa “.

Với người Do Thái, tổ phụ Abraham, Isaac, Giacob, Đavid, và các ngôn sứ đều có công lớn đối với dân tộc, bởi Chúa đã dùng các ngài làm nhiều điều kỳ diệu cho dân.

Ông Gioakim và bà Anna được Hội Thánh tôn vinh lên bậc hiển thánh nhờ “ăn theo” phúc lộc Chúa ở cùng Maria. Dầu “ăn theo”, nhưng ông Gioakim và bà Anna vẫn là “số một” của nhân loại xét trong thời Cựu Ước.

Vợ chồng gương mẫu và lý tưởng Gioakim và Anna mà Giáo hội mừng lễ hôm nay đã để lại cho đời một hạt ngọc quí giá, đó là Đức Maria. Các ngài thật diễm phúc vì thấy được người con mình sinh ra, nuôi dạy khôn lớn và thành đạt. Chúa Giêsu cho biết những ai đi theo Ngài làm môn đệ cũng được diễm phúc còn hơn thế nữa.

Cây xanh tươi chưa chắc là đã tốt, nhưng phải là cây sinh nhiều hoa trái xinh tươi. Mẹ Maria là hoa trái quí hóa, tuyệt vời của ông bà thánh Gioakim và Anna…Dù rằng Tin Mừng không ghi lại điều gì về cha mẹ của Đức Trinh Nữ Maria, nhưng thánh truyền đã đề cập đến vai trò của hai ông bà Gioakim và Anna. Ta đi ngược dòng lịch sử cứu độ để hiểu hơn vai trò của thánh Gioakim và thánh Anna. Thánh Gioakim và thánh Anna có thể là cầu nối giữa Cựu Ước và Tân ước, giữa Israel cũ và Israel mới. Hai vị thánh này đã được Thiên Chúa tuyển chọn, chúc phúc và ban nhiều ân huệ quí giá, qua đó, các Ngài sinh ra Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Đức Giêsu…

Cách riêng ông Gioakim và bà Anna trổi vượt hơn mọi người đương thời, vì được phúc liên hệ gián tiếp với Con Một Thiên Chúa vào đời, qua trung gian người con Maria đã thưa với sứ thần : “Xin Chúa làm cho con điều Chúa nói” (Lc 1,38) trong ngày Truyền Tin, và Chúa đã làm cho Maria sinh Con Đấng Tối Cao.

Đạo hạnh, công đức không bao giờ bị quên lãng, và rồi dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu, đó là lũ cháu đàn con, vì dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước Chúa lập, nhờ các ngài mà con cháu một mực trung thành, dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang của các ngài chẳng bao giờ phai mờ, các ngài đã được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi mãi lưu truyền hậu thế” (Hc 44, 1-15).

Noi gương Mẹ Maria suy đi nghĩ lại Lời Chúa trong lòng, để con cháu lớn lên trong khôn ngoan và đầy ân sủng (Lc 2,19.51). Có thế mới thấy đàn con cháu là hồng ân Chúa ban (Tv 126,3). Trái lại cha mẹ làm gương mù cho lũ cháu đàn con, thì thà khoanh cối lừa kéo vào cổ nó mà nhận chìm đáy biển (x Mt 18,6).

(Dựa theo Huệ Minh 2016)

Thánh Giuse Hiển

Giuse Hiển sinh năm 1769 tại làng Quần Anh, tỉnh Nam Định, trong một gia đình rất ngoan đạo, sẵn sàng hiến dâng con cái để phụng sự Chúa. Chính vì thế, ngay từ lúc Giuse còn nhỏ, cha mẹ đã gởi gấm cho Đức cha Đen-ga-đô Y, để ngài đào tạo, huấn luyện cậu nên tông đồ của Chúa.

Sau khi học xong thần học, thầy Giuse Hiển đã chịu chức linh mục, và được gởi đi du học ở Ma-ni-la, thủ đô nước Phi-luật-tân. Trong thời gian học ở đây, cha Giuse đã xin gia nhập dòng thánh Đa-minh. Và ngày 13 thàng 10 năm 1813, cha đã khấn Dòng, chính thức trở thành linh mục Dòng Anh Em Thuyết Giáo.

Mãn các khóa học, bề trên gọi cha về Việt Nam , sai đi giúp giáo dân trong các xứ đạo. Chá đảm trách họ đạo Cao Mộc lâu nhất. Ở đâu cha cũng hết lòng phục vụ giáo hữu và rao truyền đạo Chúa cho lương dân. Và để cho lời giảng dạy được kết quả, hằng ngày cha chuyên cần cầu nguyện, hy sinh, hãm mình. Nhờ đó, Chúa ban cho cha đặc ân hoán cải được lòng người. Hễ ai nghe cha khuyên bảo an ủi, thì cũng thay lòng đổi dạ: từ một người không tin trở lại tin Chúa, từ một người nguội lạnh trở nên sốt sắng…

Cha đang hoạt động tông đồ đắc lực thì đầu năm 1833, vua Minh Mạng ra chiếu chỉ bắt đạo. Tất cả các cha đều phải ẩn náu rày đây mai đó, âm thầm lén lút giúp đỡ giáo dân, không còn đi lại công khai được nữa. Tuy hoàn cảnh khó khăn, cha Giuse vẫn tìm đủ mọi phương cách tới lui, thăm viếng, ủy lạo và ban các bí tích cho giáo dân. Cha biết làm như thế là rất nguy hiểm cho tính mạng, nhưng cha sẵn sàng hiến dâng mạng sống mình vì Chúa và vì đoàn chiên, đoàn chiên càng bị thử thách, bắt bớ thì càng cần được chủ chăn chăm sóc, bảo vệ. Cha luôn cố gắng thực hành đúng như lời Chúa Giêsu : “Mục tử tốt lành hiến mạng sống vì đoàn chiên”.

Đêm 20 tháng 12 năm 1839, đang lúc cha ở Kiên Trung, có người nhà của ông đội Nhất đến rước cha đến giải tội xức dầu cho ông, vì ông bệnh nặng và đã nhiều năm bỏ mùa Phục Sinh, không có xưng tội rước lễ. Cha đang ngồi tòa giải tội cho ông thì một người ngoại giáo phát giác. Họ đi tố cáo với tổng đốc Trịnh Quang Khanh. Quan liền đem binh lính đến vây bắt cha, dẫn về đình làng tra tấn đánh đập dã man, rồi giải về tỉnh Nam Định.

Dù bị giam cầm khổ sở trong ngục, cha Giuse đã chịu khó khuyên bảo các giáo hữu cùng bị giam với cha, khuyến khích họ can đảm giữ vững đức tin, sẵn sàng chịu cực hình tra tấn để hiệp cùng sự Thương Khó Chúa Giêsu, cứu rỗi các linh hồn. Cha phổ biến việc tôn sùng Thánh Giá Chúa, để tăng thêm nghị lực cho các giáo hữu nhát đảm sợ chết.

Trong thời gian giam cầm, cha bị đưa ra tra tấn nhiều lần hết sức đau đớn, nhưng cha cương quyết bền lòng theo Chúa, nên quan tổng đốc kết án trảm quyết. Và triều đình đã chuẩn phê bản án, nên ngày 8 tháng 5 năm 1840, cha bị trảm quyết tại pháp trường Nam Định, được lãnh nhận triều thiên tử đạo mà cha hằng mong ước. Thi thể cha được chôn ngay tại Pháp trường, và tám tháng sau được cải táng về chủng viện Lục Thủy.

Ngày 27 tháng 5 năm 1900, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII suy tôn cha lên Chân phước. Và Đức Gioan Phaolô II tôn phong cha lên Hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988 cùng với 116 vị Hiển thánh tử đạo Việt Nam.